Doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi trong VKFTA

11/05/2018    401

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau hơn 2 năm có hiệu lực, việc tận dụng các ưu đãi trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc vẫn chưa thực sự đạt được kỳ vọng của cả hai bên.

Tại hội thảo về tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) do Bộ Công thương phối hợp với cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết VKFTA được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển thương mại kinh tế. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, với lộ trình giảm thuế theo cam kết của VKFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới. 

Ông Hải nhìn nhận các lĩnh vực đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước khá đa dạng; hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nền kinh tế năng động toàn diện cũng như tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam. 

Chẳng hạn tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch được đánh giá là tích cực trong những năm qua. Cụ thể, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh từ 1,8 triệu lượt năm 2016 lên 2,4 triệu lượt năm 2017. Ông Hải cho biết khách hàn quốc sang không chỉ mang đến tiềm năng phát triển du lịch mà còn mang lại những nguồn đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, khách du lịch Việt Nam sang Hàn quốc trong năm ngoái là 300 nghìn lượt, một con số kỷ lục trong những năm qua. 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, với thời gian hiệu lực đã sang năm thứ ba. Hiệp định này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực.

Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc, trong khi, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 58 tỷ USD.

Lần đầu tiên, trong năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 60 tỷ USD; hai bên đã điều chỉnh kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 so với mục tiêu 70 tỷ trước đó theo hướng thương mại cân bằng hơn sau khi hai quốc gia nhìn nhận rõ thâm hụt thương mại trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cho biết tỷ lệ tận dụng các cơ hội và ưu đãi trong VKFTA vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng của cả hai bên. 

Một trong những nguyên nhân ông Hải chỉ ra là việc tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp còn hạn chế; bên cạnh đó, việc nghiên cứu, áp dụng các ưu đãi trong VKFTA cũng cần thời gian, không thể thực hiện ngay trong ngày một, ngày hai. 

Có cùng quan điểm, ông Choi Dae Kyoo, chuyên gia dịch vụ Hải quan và Thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc – Việt Nam) cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa tận dụng được VKFTA như kỳ vọng. 

Trong đó, sự thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu cũng những hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ là những nguyên nhân hàng đầu. 

Theo giáo sư kinh tế của đại học Ajou (Hàn Quốc) Kim Hansung, chưa có hệ thống chứng nhận xuất xứ phù hợp là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi. Do đó, ông cho rằng xây dựng một hệ thống đảm bảo đầy đủ các cơ sở dữ liệu cũng như chứng minh hồ sơ xuất xứ sẽ là một công cụ hữu hiệu.

Doanh nghiệp cần chủ động trong tiếp cận ưu đãi

Để tăng cường năng lực tận dụng các cơ hội mà VKFTA mang lại, ông Choi Dae Kyoo cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi; đặc biệt cần thiết lập các bộ phận xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Ông Choi nhấn mạnh, cần thay đổi và nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu và phát triển kinh doanh trong việc tiếp cận với các cơ sở dữ liệu về các FTA để từ đó có các biện pháp ứng phó với những thay đổi bởi lẽ công tác này hiện nay vẫn chủ yếu do bộ phận logistics đảm nhiệm.

Đồng thời, việc thiết lập một mạng lưới chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như VKFTA là hết sức cần thiết. 

Theo ông Lê An Hải, để hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2002, Việt Nam sẽ đưa ra bản dự thảo kế hoạch hợp tác với Hàn Quốc để xuất khẩu sang nước này với các nhóm mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như các mặt hàng nông thủy sản. 

Ông Hải cho biết hiện chỉ mới có thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc về mặt hàng đông lạnh nhưng chưa có mặt hàng tươi sống. Trong thời gian tới hai bên sẽ hợp tác và đưa ra các chứng nhận này cho mặt hàng tươi sống để giảm thiểu chi phí sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp. 

Đặc biệt, Việt Nam cũng định hướng đẩy mạnh kết nối các mặt hàng tiêu dùng với các chuỗi cung ứng và phân phối của Hàn Quốc như AEON, Lotte...

Dự kiến trong khoảng 3 - 6 tháng tới, Việt Nam sẽ có chương trình hành động để hai bên hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường xuất nhập khẩu có lợi hơn cho cả hai bên theo hướng cân bằng, giảm tỷ lệ nhập siêu, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và hàng tiêu dùng.

                                                                                                           Nguồn: theleader.vn