Cơ hội và thách thức từ RCEP

06/05/2018    369

Trong khi CPTPP đang chờ đợi được phê chuẩn, nhiều quốc gia đã và đang hướng đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo bước đệm cho thương mại toàn cầu.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán giữa 10 thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN có thỏa thuận thương mại tự do, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Theo ông Shiro Armstrong, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc Đại học Tổng hợp Australia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào có lợi thế để hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP. Bởi vì, các nền kinh tế này phụ thuộc phần lớn vào các ngành sản xuất có chi phí thấp, đặc biệt là ngành dệt may. Do đó, các nhà xuất khẩu ở các nước này có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các thị trường Australia, New Zealand và Trung Quốc.

  Trong bối cảnh CPTPP đóng băng một số điều khoản, RCEP đã trở nên quan trọng hơn đối với Việt Nam vì hiệp định này liên quan đến sự hội nhập của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đáng chú ý, 7 quốc gia trong RCEP cũng là thành viên của CPTPP, trong đó có Việt Nam. Việc tham gia tích cực hai Hiệp định lớn nhất thế giới sẽ giúp các quốc gia này đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thách thức đối với Việt Nam

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam sẽ gặp sức ép cạnh tranh đáng kể khi tham gia RCEP. “Hiện nay nước ta vẫn phụ thuộc đáng kể về đầu vào nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế. Do đó, để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, nên xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất", ông Doanh cho biết và nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, các doanh nghiệp cần nhận thức hai khía cạnh đặc biệt của RCEP. Thứ nhất, thỏa thuận liên quan đến một trong những mạng lưới sản xuất năng động nhất trên thế giới, vì vậy các doanh nghiệp nên liên kết với nhau tham gia chuỗi giá trị hơn là bước một mình. Thứ hai, các chuỗi giá trị của RCEP phụ thuộc vào FDI từ các nhóm kinh tế lớn của Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Để tham gia chuỗi giá trị trong RCEP, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về các nhóm này. 

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp