Những điểm tiến bộ trong cam kết đầu tư của EVFTA

11/12/2017    356

Chương 8 của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) quy định về đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử. Chương này có dung lượng đáng kể các cam kết về đầu tư, nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho các thành phần kinh tế.

Theo quy định của chương này, sau khi EVFTA có hiệu lực, các nội dung về đầu tư trong Hiệp định này sẽ thay thế 21 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (BIT) giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Cam kết về đầu tư của EVFTA nằm trong Chương 8, gồm ba phần chính: Phần I: Tự do hóa đầu tư; Phần II: Bảo hộ đầu tư; và Phần III: Giải quyết tranh chấp đầu tư. Trong đó, những điểm khác biệt lớn nhất với các BIT thuộc Phần I và Phần III.

Về phạm vi điều chỉnh, trong khi các BIT thường chỉ bao gồm các cam kết về bảo hộ đầu tư đối với các nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, EVFTA còn có các cam kết về tự do hóa và mở cửa thị trường đầu tư. Theo đó, Việt Nam và EU cam kết không phân biệt đối xử với nhà đầu tư của bên kia khi tìm kiếm cơ hội ở lãnh thổ của mình, trên cơ sở dành cho nhà đầu tư đó sự đối xử không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư của nước mình hoặc nhà đầu tư của nước thứ ba khác. Đồng thời, hai bên cũng cam kết dành quyền thiết lập các khoản đầu tư trên lãnh thổ nước mình cho nhà đầu tư của bên kia, cam kết không áp dụng các hạn chế về tiếp cận thị trường, các yêu cầu hoạt động hay các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại v.v…

Trên cơ sở các cam kết cơ bản nêu trên, Việt Nam và EU có biểu cam kết cụ thể ghi rõ những ngành, lĩnh vực áp dụng từng loại cam kết. Phần cam kết về tự do hóa đầu tư, một mặt đưa ra những cơ hội đầu tư rộng mở hơn đối với nhà đầu tư của hai bên, giới thiệu một cách rõ ràng và minh bạch môi trường đầu tư của các bên, mặt khác vẫn đảm bảo khả năng linh hoạt chính sách của quốc gia chủ nhà và dư địa cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Phần bảo hộ đầu tư có các cam kết, nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như: Cam kết đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa tài sản; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại trong trường hợp chiến tranh, cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài… Các cam kết này trong EVFTA được xây dựng chi tiết hơn, có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà nhà nước không được làm, đồng thời bổ sung một số ngoại lệ để bảo đảm quyền điều tiết chính sách của quốc gia chủ nhà. Những điểm khác biệt với BIT này được xây dựng khiến các quy định về đầu tư trong EVFTA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo rằng các trọng tài áp dụng các quy định này theo cách có thể dự đoán trước được, sát với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán Hiệp định.

Lần đầu tiên trong lịch sử các Hiệp định về đầu tư, Việt Nam và EU đã cùng nhau xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc thường xuất hiện trong các BIT.

Theo các BIT, thông thường khi phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư, nhà đầu tư có quyền lựa chọn khởi kiện nước chủ nhà ra một tòa trọng tài theo vụ việc (ad-hoc), được thành lập theo một trong các bộ quy tắc trọng tài được quy định sẵn trong Hiệp định. Trên thực tế, nhiều trường hợp trọng tài viên được lựa chọn có kinh nghiệm về tranh chấp thương mại, nhưng không am hiểu sâu sắc về pháp luật đầu tư quốc tế, công pháp quốc tế và chính sách công. Trong khi đó, các tranh chấp đầu tư có bản chất khác xa với các tranh chấp thương mại thông thường. Tranh chấp thương mại thường chỉ liên quan đến quyền và lợi ích thương mại của các chủ thể cá biệt là các bên tham gia tranh chấp. Ngược lại, tranh chấp đầu tư thường liên quan đến việc thực hiện những quy định có tính áp dụng chung và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi chính sách đầu tư của một quốc gia, có tác động đến quyền lợi của cộng đồng cũng như lợi ích quốc gia. Các trọng tài viên không có nền tảng về chính sách công thường có xu hướng tập trung bảo vệ các lợi ích thương mại của doanh nghiệp mà coi nhẹ các mục tiêu quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích công, có xu hướng giải thích các quy định của BIT theo hướng này. Do đó, kết quả giải quyết tranh chấp đầu tư theo các BIT có hiện tượng phân mảnh, không nhất quán và thiếu ổn định.

Để khắc phục những nhược điểm trên của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư theo các BIT, EVFTA đã đưa ra mô hình giải quyết tranh chấp đầu tư mới. Theo đó, tranh chấp đầu tư theo EVFTA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử: Cấp sơ thẩm gồm 9 thành viên, cấp phúc thẩm gồm 6 thành viên. Việt Nam và EU sẽ thỏa thuận lựa chọn các thành viên này. EVFTA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Trong đó, có một số điều kiện đáng chú ý như trình độ chuyên môn về công pháp quốc tế, kinh nghiệm chuyên môn sâu về Luật đầu tư quốc tế, yêu cầu về tính độc lập với các bên tranh chấp và không hành nghề luật sư trong các tranh chấp đầu tư khác. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên cấp xét xử của mình thụ lý vụ tranh chấp đó. Như vậy, các bên tranh chấp không còn quyền lựa chọn người xem xét vụ việc của mình, góp phần tăng tính độc lập của cơ quan xét xử.

Trong trường hợp phát hiện có lỗi trong quá trình xét xử sơ thẩm, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu xem xét lại vụ việc của mình theo quy trình phúc thẩm. Quy định này góp phần khắc phục những sai sót trong giải quyết tranh chấp đầu tư, giúp quá trình này được thực hiện một cách hiệu quả, công bằng và chính xác hơn.

Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của EVFTA sẽ thay thế các Hiệp định Đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những điểm tiến bộ của EVFTA so với BIT sẽ giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Nguồn: Báo Công thương