Kỳ vọng bùng nổ xuất khẩu nhờ EVFTA

11/12/2017    105

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.

Doanh nghiệp “ngóng” EVFTA

Đến dự Hội thảo “Thị trường EU - cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới” từ sớm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Sao Vàng Việt cho biết, bà muốn có mặt tại đây để nghe thêm thông tin mới nhất về EVFTA, thị trường gắn liền với hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Sao Vàng Việt.

“Chúng tôi xuất khẩu khoảng 20 triệu USD hàng xơ sợi/năm, trong đó tỷ trọng xuất khẩu sang EU cũng khá, nên luôn ngóng chờ những thông tin mới nhất về EVFTA để có động thái cần thiết cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Sở hữu 3 nhà máy sản xuất xơ sợi xuất khẩu tại Vĩnh Phúc và Phúc Yên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, không chỉ về phía Việt Nam, mà bản thân các đối tác nhập khẩu đến từ EU đều mong chờ EVFTA có hiệu lực, dự kiến năm 2018.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chỉ sau Mỹ và tương lai còn tăng trưởng mạnh khi EVFTA được thực thi.

Từ năm 2000 đến 2016, trao đổi thương mại Việt Nam - EU đã tăng 11 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên 45 tỷ USD, đưa EU trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 12 lần, từ 2,8 tỷ USD lên trên 34 tỷ USD và nhập khẩu từ EU tăng 8,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 11 tỷ USD.

Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang thị trường EU, trong năm 2016 giá trị xuất siêu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23 tỷ USD, gấp đôi giá trị nhập khẩu vào Việt Nam từ thị trường EU.

Lưu ý cho xuất khẩu đồ gỗ, thủy sản

Theo thông tin từ Hội thảo “Thị trường EU - cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới”, Hiệp định này đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như may mặc, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ.

Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Quân, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011, đã nhanh chóng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 9,7 tỷ USD (năm 2015) và 11 tỷ USD (năm 2016), nhưng chủ yếu đến từ Samsung, LG.

Với những mặt hàng truyền thống như dệt may, giày dép…, các doanh nghiệp cần cải thiện chuỗi cung ứng để sản xuất hàng giá trị cao hơn, giảm dần gia công.

Sau nhiều năm “về nhì”, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu 10 tháng của năm 2017 đạt 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2016.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, EU là thị trường có nhiều quy định kỹ thuật rất khắt khe, bởi thế doanh nghiệp khi đưa hàng vào đây phải hết sức chú ý vấn đề chất lượng để giữ thị trường này.

“Ủy ban châu Âu đã áp dụng thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam do vi phạm về quy định chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nước bị thẻ vàng có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không sẽ bị chuyển sang thẻ đỏ. Đây là thời điểm quan trọng để khắc phục tồn tại này, nếu không sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU trong năm sau”, ông Quân lưu ý.

Riêng với đồ gỗ, do Việt Nam và EU đã ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện với đồ gỗ, trong đó Việt Nam sẽ quản lý nguồn gỗ để đảm bảo xuất khẩu gỗ hợp pháp vào EU, do vậy, điều cần làm với doanh nghiệp là chuẩn bị hồ sơ, chứng từ đầy đủ của toàn bộ chuỗi cung ứng.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ) và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam. 
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - EU năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2017 đạt 41,7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn: Báo Đầu tư