Ông Trương Đình Tuyển: EVFTA tiếp cận thị trường toàn diện nhất

29/11/2017    99

Đó là nhận định tại Hội thảo Tham vấn về các tác động của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đối với nền kinh tế Việt Nam diễn ra tại TP.HCM ngày 28/11.

Hội thảo do Dự án hỗ trợ Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương tổ chức.

Theo nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, EVFTA là hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện nhất kể cả thương mại, đầu tư, hàng hoá, dịch vụ, đảm bảo cho các yếu tố của quá trình tái sản xuất. Đây là cũng là hiệp định mang tính khu vực, do đó thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên, thúc đẩy thương mại nội khối và chuỗi cung ứng trong nội bộ các bên tham gia hiệp định,

Đặc biệt, EVFTA còn giúp giải quyết các thách thức của thời đại trong đó có các thách thức của Việt Nam thông qua việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa DN tư nhân và DN nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… thúc đẩy thể chế thị trường hiện đại. 

Phân tích những tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam, bà Phạm Lan Hương, chuyên gia trong nước của Dự án EU-MUTRAP cho biết, hiện thuế quan của Việt Nam và EU gần như tương đương nhau trong các nhóm hàng nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế tạo.

Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì hầu hết các nhóm hàng XK chủ lực đều được cắt giảm thuế. So với việc không có FTA, phúc lợi thu được với Việt Nam  là 3,2 tỉ USD vào năm 2020; 7,2 tỷ USD vào năm 2030. Xét về thu nhập quốc dân, kinh tế Việt Nam kì vọng tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6% vào năm 2030.

Đối với các phân ngành chính và một số ngành Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp bao gồm chế biến thực phẩm, gạo, rau quả, dệt may, da giày, điện tử, máy móc, thiết bị và một số phân ngành dịch vụ (thông tin, giao thông, điện tử), tác động sẽ tích cực hơn nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong nước và dỡ bỏ các rào cản kĩ thuật đối với việc nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ ra nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia trong nước, Dự án EU-MUTRAP,  EVFTA sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản của Việt Nam loại bỏ đáng kể các hàng rào thuế quan và cơ chế thuế luỹ tiến đối với hàng nông nghiệp của EU. Đồng thời, sự hấp dẫn về ưu đãi thuế đối với các các sản phẩm chế biến sẽ tạo động lực gia tăng sản phẩm chế biến của Việt Nam để XK vào EU.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh XK vào EU, các DN phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của hàng rào kĩ thuật (SPS) và các tiêu chuẩn riêng của từng đối tác. Đối với vấn đề này các DN nên tận dụng các cam kết về nâng cao năng lực và hợp tác của EVFTA và Hiệp định Thuận lợi hoá thương mại của WTO để đề nghị các đối tác EU hỗ trợ về kĩ thuật.

“Để vượt qua các  rào cản về SPS, điều các DN phải quan tâm không chỉ là các tiêu chuẩn kĩ thuật về chất lượng sản phẩm mà là cả các quy định về giết mổ nhân đạo đối với sản phẩm gia súc, hay quản lí hoạt động đánh bắt đối với hàng thuỷ sản”, ông  Dương nhấn mạnh.

Cơ hội là rất lớn, nhưng để có thể tận dụng các FTA trong đó có EVFTA để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, không chỉ nhà nước cải tổ mà các DN phải cơ cấu lại. Thành công chỉ được đảm bảo khi Việt Nam tiếp tục nhận thức được tiềm năng của con người, cải cách thể chế và tăng cường đổi mới.

Nguồn: Báo Hải quan