Việt Nam cần động lực mới cho cải cách để hưởng lợi từ EVFTA

29/11/2017    100

Việt Nam cần động lực mới cho cải cách, bởi trong quá trình hội nhập, thành công chỉ được đảm bảo khi Việt Nam tiếp tục nhận thức được tiềm năng của con người, cải cách thể chế và tăng cường đổi mới.

Là khẳng định của TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Tham vấn về các tác động của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức ngày 28/11.

Theo TS Võ Trí Thành, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) khi được thực thi sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hình thức khác nhau như: dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU.

“Việt Nam đang ở thời điểm quyết định chuyển đổi mô hình phát triển thông qua thiết lập nền tảng để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam cần động lực mới cho cải cách. Sự tương tác giữa cải cách trong nước và hội nhập (TPP, RCEP, VN-EU-FTA…) trở nên sâu sắc hơn. Bởi thành công chỉ được đảm bảo khi Việt Nam tiếp tục nhận thức được tiềm năng của con người, cải cách thể chế và tăng cường đổi mới (cùng tận dụng lợi thế và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu sắc)”, TS Võ Trí Thành phân tích.

Đánh giá tác động định lượng của EVFTA đến kinh tế Việt Nam, bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia trong nước - Dự án EU-MUTRAP - cho biết, xét về tổng thể, so với kịch bản không có EVFTA, kết quả mô phỏng cho thấy phúc lợi thu được đối với Việt Nam là 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và 7,2 tỷ USD vào năm 2030. Xét về thu nhập quốc dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6% vào năm 2030.

Những nhân tố đóng góp chính vào lợi ích thu được này gồm: tỷ lệ thương mại trên GDP của Việt Nam tương đối cao nên bất kỳ lợi ích thu được nào đều mang lại tác động đáng kể đến GDP và thu nhập quốc dân; tỷ trọng thương mại của Việt Nam với EU cao hơn so với các đối tác trong FTA ASEAN; tỷ lệ bảo hộ tương đối cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam (như dệt may, da giày và thủy sản) và một số phân ngành nên dỡ bỏ những rào cản này cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Cụ thể những tác động của EVFTA khi được ký kết và thực thi với từng ngành, ông Nguyễn Anh Dương, Chuyên gia trong nước của Dự án EU-MUTRAP - cho biết, khi có hiệu lực, các phân ngành chính và một số ngành Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp bao gồm chế biến thực phẩm (cả thủy sản), gạo, rau quả, dệt may, da giày, điện tử, máy móc và thiết bị và một số phân ngành dịch vụ (thông tin, giao thông vận tải,…). Tác động đối với các phân ngành sẽ tích cực hơn nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong nước và dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật đối với việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để đạt được tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo của EU và nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua tăng thêm hàm lượng giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến trong hàng xuất khẩu, nghiên cứu nhận định Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Chi phí điều chỉnh là không lớn và EVFTA có tác động tích cực đến giảm nghèo; tuy nhiên, phân phối thu nhập có chiều hướng xấu hơn. Gia tăng thu nhập quốc dân giúp cải thiện tiền lương thực tế cho hầu hết các loại hình lao động, với ước tính cao hơn 4-5%. Mức tăng thu nhập lớn nhất được kỳ vọng đối với cả lao động nam và nữ trong ngành da giày, dịch vụ kinh doanh khác, và lĩnh vực vận chuyển hàng không.

Nguồn: Báo Công thương