Thực thi EVFTA, cần nâng cao nhận thức về kiểm soát an toàn chất lượng nông thủy sản

13/11/2017    118

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết, đang chờ phê chuẩn để đi vào thực hiện. Việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thực vật và kiểm dịch động thực vật (SPS) được quy định cụ thể trong Chương SPS của Hiệp định EVFTA đòi hỏi Việt Nam và EU cần phải có sự thay trong quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tế khi triển khai.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo: "Nâng cao nhận thức về các điều khoản SPS mới của hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)", do dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức tại Hà Nội sáng 8/11/2007.

Thương mại song phương liên tục tăng trưởng

Theo bà Miriam García Ferrer, chuyên gia Phái đoàn Liên mình châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam là nước phát triển thương mại rất nhanh. Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ hai của Liên minh châu Âu tại Asean, sau Singapore. Việt Nam được đặt vào vị trí rất quan trọng đối với EU trong hợp tác thương mại, và trong tương lai sẽ còn tăng lên nữa.

Đối với xuất nhập khẩu hàng nông hải sản thì Liên mình châu Âu là đối tác hàng  đầu trên thế giới, nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia trên thế giới.

Những năm qua, thương mại Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục xuất siêu, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Liên mình châu Âu bao gồm: chè, cà phê, thủy sản. Về đầu tư, Liên mình châu Âu đứng hàng thứ 5 trong tổng các đối tác đầu tư vào Việt Nam. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì sẽ còn nhiều doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam.

Bà Miriam García Ferrer cho biết, EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, gần như 100% thuế quan sẽ bị xóa bỏ.  Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Chương SPS là chương quan trọng nhất, tạo cơ hội thuận lợi cho thương mại nông sản thực phẩm giữa Việt Nam và EU, tuy nhiên Việt Nam và EU cũng cần phải có sự thay trong quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tế khi triển khai- bà Miriam García Ferrer nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức về kiểm soát an toàn chất lượng

Theo các chuyên gia đến từ dự án EU-Mutrap, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên mình châu Âu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ theo quy định của EU.

Thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của EU do chưa kiểm soát được theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn.

Theo ông Nguyễn Tử Cương- chuyên gia dự án EU-Mutrap, Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế từ hiệp định EVFTA khi hiểu rõ Quy định về đảm bảo an toàn thực vật và kiểm dịch động thực vật (SPS). Việt Namneen  có sự minh bạch hoàn  toàn trong các quy trình và yêu cầu nhập khẩu, tìm ra các giải pháp cho vấn đề cần giải quyết, đơn giản hóa thể chế để xác định mức độ bảo hộ phù hợp

Do các quốc gia  thành viên EU đều áp dụng các tiêu chuẩn và kiểm soát chung của châu Âu, nên Việt Nam cần thiết lập các điều kiện nhập khẩu theo quy chuẩn chung của Liên mình châu Âu, và phải đảm bảo là sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Bởi khi đã đạt các quy chuẩn SPS thì hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam sẽ xuất khẩu được vào tất cả các nước thành viên Liên mình châu Âu.

Bà Miriam García Ferrer cho biết, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Liên mình châu Âu chỉ cần đến một nơi duy nhất và đưa ra yêu cầu chính thức các thủ tục để Ủy ban châu Âu đánh giá các quy định, nếu đáp ứng đầy đủ là có thể phê duyệt ngay và được công bố công khai trên mạng, doanh nghiệp sẽ không mất bất cứ chi phí nào.

Nhằm thúc đẩy nông sản xuất khẩu sang EU, các chuyên gia cũng kiến nghị Nhà nước phải quản lý chặt khâu sản xuất, xây dựng được hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo được chất lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Nguồn: Báo Công thương