Nghiên cứu Rủi ro của Ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và các FTA – Hiện trạng và Đề xuất chính sách

14/08/2017

Bán lẻ nói chung và bán lẻ hàng hóa nói riêng là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng nằm trong nhóm những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất. Điều này cho thấy đây thực sự là một ngành dịch vụ nhiều tiềm năng phát triển, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế.

Trên thực tế, đóng góp của ngành bán lẻ trong nền kinh tế không chỉ dừng lại ở lợi nhuận và số lượng công ăn việc làm mà ngành này tạo ra. Với vai trò là khâu kết nối không thể thiếu giữa sản xuất với tiêu dùng, sự vận hành của hoạt động bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cả ở góc độ sản phẩm đầu ra, các yếu tố đầu vào và tỷ suất lợi nhuận. Nói cách khác, sự phát triển của ngành bán lẻ không chỉ có ý nghĩa với riêng ngành này mà còn kéo theo sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) – hai Hiệp định có cam kết mạnh trong mở cửa thị trường bán lẻ cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa, ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Cạnh tranh cũng khiến các nhà bán lẻ Việt Nam bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình…Những hệ quả đầu tiên đã được nhận diện, với một số lượng đáng kể các doanh nghiệp bán lẻ rời khỏi thị trường cũng như những khó khăn của các nhà sản xuất nội trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ nước ngoài.

Để vượt qua tình trạng này, một mặt, các nhà bán lẻ Việt Nam cần có hành động cụ thể để cải thiện cơ bản năng lực cạnh tranh của mình, mặt khác cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía Nhà nước nhằmgiúp ngành này khắc phục những tồn tại mang tính hệ thống mà từng doanh nghiệp không thể giải quyết được hoặc khó có thể giải quyết hiệu quả.

Nghiên cứu “Rủi ro của Ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập – Hiện trạng và Đề xuất chính sách”này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng các vấn đề tồn tại, cản trở sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập TPP, EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do, từ đó đề xuất các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển bền vững, qua đó đóng góp vào sự phát triển của các ngành sản xuất cũng như gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng.

Nghiên cứu được Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong tham vấn xây dựng chính sách phát triển ngành” do Đại sứ quán Úc tài trợ, Quỹ Châu Á quản lý.

Hy vọng rằng các nội dung trong Nghiên cứu sẽ có ý nghĩa trong việc xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2035 theo yêu cầu của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ cũng như trong hoạch định các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm triển khai các nội dung trong Chiến lược nói trên.