Các quy định về lao động trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên

10/07/2017

Trần Thị Giang - Đại học Ngoại thương 2017

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng. Trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này. Nói cách khác, họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các Hiệp định thương mại thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Vào thời điểm thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization – WTO) năm 1995, nhóm ủng hộ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ WTO, đồng thời sử dụng chế tài thương mại đối với những quốc gia vi phạm các tiêu chuẩn lao động đó dẫn đầu bởi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đàm phán các Thành viên WTO còn lại, vì vậy, đề xuất này đã bị bãi bỏ trong Hội nghị Bộ trưởng WTO năm 1996 tại Singapore. Tuy vậy, các nước phát triển đã nỗ lực để đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực. Nội dung các cam kết về lao động, cơ chế thực thi và giải quyết tranh chấp cũng không ngừng được thúc đẩy và quy định ngày càng cụ thể trong các thỏa thuận với mức độ ngày càng chặt chẽ. Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, số lượng các Hiệp định thương mại tự do có chứa điều khoản về lao động không ngừng tăng lên từ 4 Hiệp định năm 1995 lên 72 Hiệp định vào năm 2015.

Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã ký kết và tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA). Trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreements – TPP), và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (European Union Vietnam Free Trade Agreement – EVFTA) là hai hiệp định đầu tiên Việt Nam tham gia có những quy định chặt chẽ nhất về lao động. Cùng khoảng thời gian đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC, trong đó ASEAN là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Association of Southeast Asian Nations) đã chính thức thành lập ngày 31/12/2015. Tuy không quy định cụ thể về lao động nhưng AEC cũng có những thỏa thuận liên quan đến thị trường lao động của các nước thành viên nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vậy nội dung những quy định về lao động các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là gì? Thực trạng quy định trong pháp luật lao động nội địa như thế nào? Việt Nam cần hoàn thiện những gì để đảm bảo thực thi tốt các cam kết đó? Để có thể trả lời cho những câu hỏi nêu trên, tác giả đã lựa chọn đề tài “Các quy định về lao động trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên” làm đề tài nghiên cứu của mình.