Tin tức

Quy định của EU về việc quản lý và phân bổ HNTQ đối với các mặt hàng trừ gạo trong Hiệp định EVFTA

24/07/2020

Quy định của EU về việc quản lý và phân bổ HNTQ đối với các mặt hàng trừ gạo trong Hiệp định EVFTA đã chính thức được EU đăng trên Công báo vào ngày 15 tháng 07 năm 2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2020.

Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho Việt Nam đối với 14 mặt hàng, bao gồm: Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; và mannitol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.

Các doanh nghiệp có thể tìm đọc thêm thông tin về dự thảo Quy định của EU về việc quản lý và phân bổ HNTQ đối với các mặt hàng trừ gạo đã được Trung tâm WTO và Hội nhập đăng tải tại đây, Quy định này đã chính thức được EU đăng trên Công báo vào ngày 15 tháng 07 năm 2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương cung cấp thông tin chi tiết về cơ chế này như sau:

1. Cơ quan đầu mối thực thi của EU

Cơ quan đầu mối của EU phụ trách phân bổ và quản lý TRQ đối với các mặt hàng thuộc diện cam kết trong Hiệp định EVFTA là Tổng cục Thuế và Hải quan (Directorate General Taxation and Customs Union - DG TAXUD).

2. Cơ chế quản lý TRQ của EU

TRQ sẽ được phân bổ và quản lý theo quy định tại Điều 49 đến 54 của Quy định thực thi (EU) 2015/2447. Cụ thể:

Quy định chung

- Hàng hóa nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-serve), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.

Ví dụ, tất cả các đơn xin cấp phép nhập khẩu được chấp thuận vào ngày 01 tháng 8 năm 2020 (dự kiến là ngày Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực) sẽ được phân bổ TRQ trước, và lượng hạn ngạch còn lại sẽ được phân bổ cho các đơn xin cấp phép nhập khẩu được chấp thuận vào ngày 02 tháng 8 năm 2020 và các ngày sau đó.

- Đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan EU chấp thuận vào ngày 01, 02 hoặc 03 tháng 01 sẽ được tính là được chấp thuận vào ngày 03 tháng 01 của năm đó. Tuy nhiên, trong trường hợp một trong ba ngày trên rơi vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, ngày được chấp thuận sẽ là ngày 04 tháng 01 của năm đó.

Vai trò của cơ quan hải quan của EU

Cơ quan hải quan của EU sẽ có trách nhiệm xác định tính hợp lệ của hồ sơ nhập khẩu theo cơ chế TRQ và sẽ chuyển thông tin ngay sau khi chấp nhận hồ sơ tới Ủy ban để phân bổ TRQ.

Việc phân bổ TRQ

- Việc phân bổ TRQ sẽ được thực hiện trong ngày làm việc và sẽ bao gồm tất cả các hồ sơ đề nghị cấp TRQ chưa được phân bổ tính từ ngày làm việc thứ hai trước ngày phân bổ TRQ trở lại. TRQ sẽ không được phân bổ sớm hơn ngày làm việc thứ hai sau ngày chấp nhận đơn xin cấp phép nhập khẩu.

- Vào ngày phân bổ, trong trường hợp lượng TRQ xin cấp cao hơn lượng TRQ còn lại, Ủy ban sẽ phân bổ lượng TRQ còn lại theo tỷ lệ cho các bên nộp hồ sơ.

Quy định khác

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng để được hưởng ưu đãi trong TRQ, hàng hóa nhập khẩu theo cơ chế này cần đáp ứng quy tắc xuất xứ quy định tại Hiệp định EVFTA. Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam khi nhập khẩu vào EU cần nộp giấy chứng nhận xuất xứ, tờ khai tự chứng nhận xuất xứ hoặc khai báo xuất xứ theo quy định tại Điều 15 (2), Nghị định thư 1 về Quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính của Hiệp định EVFTA

3. Lượng TRQ EU dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA

Mặt hàng

Mã HS

(Biểu thuế của EU)

Lượng TRQ từ ngày 01/08 đến 31/12/2020[1]

Lượng TRQ kể từ năm 2021

Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm

0408.11.80; 0408.19.81

0408.19.89; 0408.91.80

0408.99.80

208,334 tấn

500 tấn

Tỏi

0703.20.00

167,668 tấn

400 tấn

Ngô ngọt

0710.40.00A; 2001.90.30A;

2005.80.00A

2083,334 tấn

5000 tấn[2]

Tinh bột sắn

1108.14.00

12500 tấn

30000 tấn

Cá ngừ

1604.14.11; 1604.14.18

1604.14.90; 1604.19.39

1604.20.70

4791,668 tấn

11500 tấn

Surimi

1604.20.05

208,334 tấn

500 tấn

Đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao

Đường thô:

1701.13.10; 1701.13.90

1701.14.10; 1701.91.00

1701.99.10; 1701.99.90

1702.30.50; 1702.90.50

1702.90.71; 1702.90.75

1702.90.79; 1702.90.95

1806.10.30; 1806.10.90

8333,334 tấn

20000 tấn

Đường đặc biệt

1701.14.90

168,668 tấn

400 tấn

Nấm

0711.51.00; 2001.90.50

2003.10.20; 2003.10.30

145,834 tấn

350 tấn

Ethanol

2207.10.00; 2207.20.00

416,668 tấn

1000 tấn

Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác

2905.43.00; 2905.44.11

2905.44.19; 2905.44.91

3505.10.10; 3505.10.90

3824.60.19

833,334 tấn

2000 tấn

 

Nguồn: Bộ Công Thương

[1] Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, do đó lượng TRQ EU dành cho Việt Nam kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 sẽ được tính theo tỷ lệ tương ứng với khoảng thời gian Hiệp định có hiệu lực trong năm 2020 thay vì lượng TRQ hàng năm được quy định trong Hiệp định EVFTA.

[2] Lượng TRQ không bao gồm tổng lượng hàng hóa có xuất xứ được phân loại theo dòng thuế 0710.40.00B, 2001.90.30B và 2005.80.00B.

Tham khảo quy định của EU về hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA tại đây.

Tài liệu chi tiết được đính kèm đưới đây: