Thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Brunei

04/07/2020

1. Số liệu thương mại song phương

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Brunei đạt 244 triệu USD, tăng 342,6% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Brunei đạt 66,6 triệu USD, tăng 260,9% so với năm 2018 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Brunei đạt 177,4 triệu USD, tăng 383,7% so với năm 2018.

2. Đầu mối Thương vụ và cơ quan Hải quan

Cục Hải quan và Thuế Hoàng gia (Royal Customs & Excise Department - RCED), Bộ Tài chính

Tel: +673 238 2333

Fax: +673 238 2666

Website: http://www.mof.gov.bn/index.php/departments/royal-custom-a-excise-department

Email: info@customs.mof.gov.bn

3. Các biện pháp phi thuế quan và các quy định khác có liên quan

Brunei có các quy định nhập khẩu nghiêm ngặt về halal, thịt ướp lạnh hoặc đông lạnh. Thịt bò Halal được cung cấp bởi các lò mổ địa phương hoặc nhập khẩu thông qua các công ty có chứng nhận Halal.

Các yêu cầu nhập khẩu và chứng từ Việc nhập khẩu hàng hoá vào Brunei được giám sát bởi Cục Hải quan và Thuế Hoàng gia (Royal Customs and Excise Department). Các nhà nhập khẩu phải đăng ký với cảng nhập hàng. Việc xác định phân loại thuế được dựa theo các Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2012 và 2007. Một số loại sản phẩm cần phải có giấy phép nhập khẩu được các cơ quan chức năng liên quan cấp. Hàng hóa không bị cấm nhập có thể được nhập khẩu theo giấy phép tổng hợp. Các tờ khai hải quan phải nộp kèm các chứng từ hỗ trợ như: hoá đơn, phiếu vận tải và bảo hiểm, vận đơn hàng không và phiếu đóng gói. Có thể phải nộp thêm một số chứng từ bổ sung như giấy chứng nhận xuất xứ và phân tích, giấy phép phê duyệt (A.P.), giấy phép nhập khẩu và tài liệu khác theo yêu cầu của Cục Hải quan và Thuế.

Cục Dịch vụ Y tế thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm đảm bảo thực phẩm nhập khẩu và phân phối tại Brunei là an toàn cho tiêu dùng của con người. Các nhà nhập khẩu thực phẩm phải tuân thủ Luật Y tế Công cộng (Thực phẩm) (Chương 182), và các qui định y tế công cộng (thực phẩm) năm 2000, các quy định của pháp luật về thực phẩm và các yêu cầu nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu phải nộp tờ khai hải quan cùng với các giấy chứng nhận y tế xuất khẩu có liên quan từ các nước xuất xứ. Các yêu cầu khác bao gồm việc cung cấp các giấy chứng nhận HACCP, mẫu các mặt hàng được nhập khẩu vào Brunei, danh mục tất cả các thành phần và phụ gia được sử dụng và các tài liệu hoặc giấy xác nhận hợp lệ khác theo quy định của Bộ Y tế. Các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu chủ yếu là halal, dành cho việc tiêu thụ của đa số dân Hồi giáo. Thực phẩm Halal không được chứa cồn hoặc các chất có nguồn gốc động vật không phải halal. Hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm chế biến phải được đăng ký và phải xác định nguồn gốc các phụ gia theo Quy chế 9, Quy định Y tế công cộng (Thực phẩm), 2000.

Hàng cấm nhập:

- Thuốc phiện;

- Chim Java Sparrows;

- Ấn phẩm bị cấm được quy định theo Đạo luật về phản động hoặc Đạo luật về các ấn phẩm không được phép xuất bản;

- Pháo;

- Vacxin có nguồn gốc từ Đài Loan;

- Thuốc lá không có cảnh báo sức khỏe in trên bao bì;

- Ống tiêm;

- Lợn được lai tạo hoặc xuất khẩu từ Thái Lan;

- Trứng để ấp nở hoặc trứng mới trừ phi được đóng dấu “Nhập khẩu” trên vỏ trứng;

- Xơ, sợi hoặc bất kỳ vật phẩm nào có dấu ấn của bất kỳ loại tiền tệ, tín phiếu ngân hàng, tiền xu đã và đang phát hành tại bất kỳ quốc gia nào.

Hàng hạn chế nhập:

- Cây cối và nguyên liệu trồng trọt;

- Thú và chim sống;

- Các loại máy đánh bạc (pin table, fruit machines, slot machines…);

- Thuốc độc hại;

- Lúa gạo và các sản phẩm lúa gạo;

- Đường và gỗ;

- Xe hơi, xe máy, xe tải, xe buýt, xe kéo, xe rơ moóc;

- Các loại rượu;

- Các vật liệu phóng xạ.

- Hàng cấm xuất: đá hoặc sỏi

Hàng hạn chế xuất:

- Gạo, lúa và các sản phẩm lúa gạo; 

- Gỗ loại 1A, 1B, 1C, Nibong, mây;

- Cổ vật, hiện vật lịch sử được làm hoặc phát hiện tại Brunei;

- Dầu hôi;

- Thuốc lá điếu, rượu;

- Đường;

- Xăng các loại;

- Diesoline.

4. Các thông tin về quy trình, thủ tục hải quan

Pháp luật về hải quan của Brunei đã được sửa đổi để hài hoà danh pháp thuế quan, giúp cho các nhà đầu tư và công chúng tiếp cận các thông tin liên quan đến hải quan dễ dàng hơn, giúp luật pháp của Brunei phù hợp với các hiệp định WTO và bảo hộ sở hữu trí tuệ, và cải thiện các qui trình khiếu nại.

Tất cả các hàng nhập khẩu vào Brunei phải kèm theo: 

- Vận đơn / lệnh giao hàng hoặc vận đơn hàng không;

- Phiếu đóng gói;

- Hóa đơn thương mại;

- Ba bản sao tờ khai hải quan;

- Mô tả chi tiết hàng hóa nhập khẩu; trọng lượng thô và tịnh hoặc số lượng bao gói;

- Giá trị (FOB và CIF);

- Nơi gửi hàng, nơi đến;

- Giấy chứng nhận xuất xứ;

- Giấy chứng nhận phân tích;

- A.P (Giấy phép phê duyệt) của RCED;

- Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Chính phủ/ Cơ quan có liên quan cấp.

5. Các nội dung khác có liên quan đến thị trường

Các tiêu chuẩn thương mại

Brunei áp dụng một loạt các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm ISO của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế và các chế độ IEC (Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế). Brunei cũng công nhận các chứng chỉ của các cơ quan đã được các thành viên của Tổ chức Hợp tác Công nhận Thái Bình Dương công nhận. Giấy chứng nhận hợp chuẩn và công nhận phòng thí nghiệm của các thành viên tham gia Thỏa ước Công nhận lẫn nhau APLAC (Hợp tác về công nhận phòng thí nghiệm châu Á - Thái Bình Dương) cũng được chấp nhận. Hội đồng tiêu chuẩn quốc gia được thành lập vào tháng 12/2009 và hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Công nghiệp và Tài nguyên Sơ cấp. Các tiêu chuẩn viễn thông được quy định bởi Cơ quan Thông tin-Truyền thông và Công nghệ (AITI) theo Mục 9 của Luật Viễn thông, 2001. AITI điều tiết việc sử dụng các thiết bị viễn thông ở Brunei, đòi hỏi các dịch vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia.

Chứng nhận sản phẩm

Nhà hàng và các hãng sản xuất thực phẩm phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo được yêu cầu phải có giấy chứng nhận và giấy phép halal cũng như thương hiệu halal theo Luật Chứng nhận và Nhãn mác Halal năm 2005. Theo luật này, các nhà sản xuất hoặc nhà hàng chỉ được phép sản xuất và chế biến các sản phẩm halal sử dụng nguyên liệu thô của các nhà cung cấp halal. Các công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ được yêu cầu hình thành một Ủy ban Kiểm tra Halal để xử lý và đảm bảo công ty hoạt động phù hợp với tất cả các yêu cầu halal. Khi xuất khẩu sản phẩm ra khỏi Brunei, các nhà sản xuất thực phẩm trong nước cần có thêm Chứng nhận Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Các thương gia kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ Luật Y tế Công cộng (Thực phẩm) (Chương 182). Giấy đăng ký sẽ được cấp trong vòng 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn. Các giấy phép và giấy chứng nhận Halal được Bộ Tôn giáo cấp, trong khi Bureau Veritas, một cơ quan chứng nhận địa phương, cấp phát các chứng chỉ HACCP cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước.

Nguồn: Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương