Quan hệ song phương Việt Nam - EU

20/02/2020

Quan hệ Thương mại 

EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng  14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).  

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD (giảm 0,81%) và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD (tăng 6,84%). Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD, giảm 2,89% so năm 2018), Đức (6,56 tỷ USD, giảm 4,63%), Anh (5,76 tỷ USD, giảm 0,38%), Pháp (3,76 tỷ USD, giảm 0,01%), Italia (3,44 tỷ USD, tăng 18,46%), Áo (3,27 tỷ USD, giảm 19,93%), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD, tăng 3,38%), Bỉ (2,55 tỷ USD, tăng 5,83%), Ba Lan (1,50 tỷ USD, tăng 12,42%) và Thụy Điển (1,18 tỷ USD), tăng 2,39%).

Thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU

                                                                                          (Đơn vị: triệu USD)

Năm

Xuất khẩu

          Nhập khẩu         

Xuất nhập khẩu

 

Trị giá

Tăng (%)

Trị giá

Tăng (%)

Trị giá

Tăng (%)

2015

30.940,1

10,77

10.433,9

17,16

41.374,0

12,31

2016

34.007,1

9,92

11.063,5

6,03

45.070,7

8,93

2017

38.336,9

12,75

12.097,6

8,57

50.434,5

11.72

2018

41.885,5

9,42

13.892,3

13,95

55.777,8

10,59

2019

41.546.6

-0,81

14.906,3

7,30

56.452,9

1,21

                                                                        (Nguồn: Tổng Cục Hải  quan)

Các nước xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan. Đối với thị trường Áo, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là nhờ xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động.

Về xuất khẩu:

Năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 41,54 tỷ USD, giảm 0,81% so với năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện (đạt 12,21 tỷ USD, giảm 7,23%), giày dép các loại (5,03 tỷ USD, tăng 7,51%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,66 tỷ USD, giảm 8,13%), hàng dệt may (4,26 tỷ USD, tăng 3,90%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (2,51 tỷ USD, tăng 21,63%), hàng thủy sản (1,25 tỷ USD, giảm 13,07%) và cà phê (1,16 tỷ USD, giảm 14,91%). Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2019 là chất dẻo nguyên liệu (đạt 19,13 triệu USD, tăng 235,42%), giấy và các sản phẩm từ giấy (13,94 triệu USD, tăng 175,56%), máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (30,70 triệu USD, tăng 139,83%), chè (8,20 triệu USD, tăng 132,98%) và dây điện và dây cáp điện (31,10 triệu USD, tăng 139,83%). Đáng lưu ý là một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng giảm như sắt thép các loại (238,28 triệu USD, giảm 33,98%), hóa chất (38,35 triệu USD, giảm 16,83%), cao su (113,77 triệu USD, giảm 11,37%), hàng thủy sản (1,25 tỷ USD, giảm 13,07%) và cà phê (1,16 tỷ USD, giảm 14,91%).

         Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU

(Đơn vị: triệu USD)

TT

Tên hàng

2017

2018

2019

2019/2018

01

Giày dép

4.612,3

4.677,8

5.029,4

+7,51%

02

Dệt may

3.733,3

4.101,7

4.261,9

+3,90%

03

Thủy hải sản

1.422,1

1.435,2

1.247,6

-13,07%

04

Cà phê

1.365,4

1.360,5

1.157,7

-14,91%

05

Đồ gỗ

751,4

779,1

846,6

+8,65%

06

Máy vi tính

4.097,5

5.072,9

4.660,4

-8,13%

07

Điện thoại

11.778,0

13.161,4

12.209,2

-7,23%

08

Túi xách,  ví, vali, mũ & ô dù

879,5

929,8

965,6

+3,85%

09

Sản phẩm từ thép

399,8

568,8

551,4

-3,06%

10

Phương tiện VT và PT

705

671,6

814,3

+21,24%

11

Hạt điều

944,4

105,4

102,6

-2,66%

12

Máy móc

1.688,4

2.063,8

2.510,3

+21,63%

      (Nguồn: Tổng Cục Hải quan)

Về nhập khẩu

Năm 2019, nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 14,90 tỷ USD tăng 6,84% so với năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ EU là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 3,91 tỷ USD, giảm 3,92%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,51 tỷ USD, tăng 36,40%), dược phẩm (1,63 tỷ USD, tăng 13,50%), sản phẩm hóa chất (556,47 triệu USD, tăng 4,89%) và nguyên phụ liệu, dệt, may, da, giày (402,17 triệu USD, giảm 2,58%). Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2019 là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (đạt 6,44 triệu USD, tăng 114,93%), ô tô nguyên chiếc các loại (135,83 triệu USD, tăng 74,64%), sản phẩm từ kim loại thường khác (15,98 triệu USD, tăng73,64%), giấy các loại (77,80 triệu USD tăng41,94%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (78,48 triệu USD, tăng 37,28%) và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,51 tỷ USD, tăng 36,40%). Đáng lưu ý là một số mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng giảm như phế liệu sắt thép (59,69 triệu USD, giảm 53,14%), quặng và khoảng sản khác (4,95 triệu USD, giảm 29,17%), thuốc trừ sâu và nguyên liệu (81,16 triệu USD, giảm 27,42%), hóa chất (195,56 triệu USD, giảm 25,46%), phương tiện vận tải khác và phụ tùng (257,16 triệu USD, giảm 22,77%) và phân bón các loại (29,36 triệu USD, giảm 22,37%).

Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU

(Đơn vị: Triệu USD)

TT

Tên hàng

2017

2018

2019

2019/2018

01

Máy móc thiết bị

3.431,5

4.069,5

3.909,9

-3,92%

02

Dược phẩm

1.440,3

1.438,8

1.633,1

+13,50%

03

NPL Dệt may da

312,6

412,8

402,2

-2,58%

04

Sắt thép các loại

74,1

148,1

174,0

+17,48%

05

Phân bón các loại

41,5

37,8

29,4

-22,37%

06

Phương tiện VT khác

133,1

332,9

257,1

-22,77%

07

Sữa và sp từ sữa

217,6

192,4

214,9

+11,74%

08

Máy vi tính, sp ĐT

154,8

1.843,4

2.514,4

+36,40%

09

Sản phẩm hóa chất

221,3

530,5

556,5

+4,89%

10

L.kiện p.tùng ôtô

512,1

248,2

218,8

-11,85%

11

Ôtô nguyên chiếc

115,3

77,8

135,8

+74,64%

                                                                                             (Nguồn: Tổng Cục Hải quan) 

 Về quan hệ thương mại Việt Nam – EU

Ngày 26/03/2018, EC ban hành Quyết định điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại thép nhập khẩu trong đó có thép xuất xứ Việt Nam do phát hiện tình trạng gia tăng đột biến thép nhập khẩu. Động thái này có thể dẫn tới việc tăng thuế nhập khẩu hoặc áp đặt hạn ngạch đối với một số loại thép Việt Nam; Ngày 26/06/2018, EC ban hành Quyết định bổ sung thêm 2 loại sản phẩm thép phải bị điều tra;

Ngày 23/06/2018, Ủy ban châu Âu đánh giá tình hình đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký của Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến bộ kể từ khi bị thẻ vàng (23/10/2017). Hoạt động xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam sang Bỉ và EU vẫn diễn ra bình thường do nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU rất lớn nhưng tình trạng thẻ vàng tiếp tục kéo dài sẽ ít nhiều gây tâm lý bất an cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu. Cơ quan quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản và chủ tàu cá Việt Nam sẽ phải tăng chi phí quản lý và đầu tư trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu chống đánh bắt IUU;

Ngày 02/07/2018, Ủy ban châu Âu ban hành Quyết định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một số loại rau thơm và trái thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU. Quyết định này sẽ làm tăng chi phí xét nghiệm và tăng nguy cơ các sản phẩm liên quan bị từ chối thông quan tại các cảng EU.

Về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA)

Ngày 30 tháng 6 năm 2019, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện cho Việt Nam và Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea đại diện cho EU đã ký kết chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA).

Việc ký kết thành công của hiệp định này đánh dấu một mốc mới trên chằng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, là một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể; đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cũng tạo điều kiện rất tốt để Việt Nam và từng nước thành viên có thể mở ra những cơ hội hợp tác mới trên cơ sở lợi thế của từng nước, đưa hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên ngày càng đi vào thực chất, bền vững.

Tuy nhiên, hai bên vẫn phải trải qua một bước nữa để đưa ra 2 Hiệp định vào thực thi, trình Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn 2 hiệp định. Với Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm về chuẩn bị bộ hồ sơ trình phê chuẩn về EVFTA , Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về bộ hồ sơ trình phê chuẩn EVIPA.         Quy trình phê chuẩn Hiệp định sẽ thực hiện theo đúng quy trình quy định tại Luật Điều ước, Chính phủ sẽ trình bộ hồ sơ xin phê chuẩn sang Chủ tịch nước và Chủ tịch nước sẽ quyết định việc trình ra Quốc hội để xin phê chuẩn.     Với EU, quy trình phê chuẩn có sự khác biệt giữa EVFTA và EVIPA. Cụ thể, với EVFTA chỉ cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn là có thể có hiệu lực ngay. Phía EU gọi là hiệu lực “tạm thời” bởi sau đó, về nguyên tắc, EVFTA vẫn phải được Nghị viện 28 nước thành viên EU phê chuẩn. EVIPA thì khác, hiệp định này phải được Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 28 nước thành viên thông qua thì mới có hiệu lực.

Ngày 21/01/2020, Ủy ban thương mại quốc tế (INTA) đã tiến hành bỏ phiếu về việc thông qua hai hiệp định theo đó, Hiệp định EVFTA nhận được 29 phiếu thuận và EVIPA 26 phiếu thuận. Đây là tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất nếu so sánh với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác. Dự kiến Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu trong phiên toàn thể  vào ngày 12/02/2020. Tiếp sau đó, hai Hiệp định sẽ cần Quốc hội Việt Nam thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2020) để chính thức đi vào hiệu lực.

Quan hệ đầu tư Việt Nam - EU

Đầu tư của EU vào Việt Nam

Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Trong đó Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tạiViệt Nam (tăng 26 dự án và 692,76 triệu USD vốn đầu tư). Vương quốc Anh đứng thứ hai với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư (tăng 29 dự án và 210,10 triệu USD vốn đầu tư. Pháp đứng thứ ba với 563 dự án và 3,60 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,13% tổng vốn đầu tư (tăng 23 dự án nhưng giảm72,07 triệu USD vốn đầu tư).  

Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy  đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển)…. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ).

Đầu tư Việt Nam vào EU

Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, nhìn chung đầu tư Việt Nam sang EU là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức. Tính đến hết nay 31/12/2018, Việt Nam có 78 dự án đầu tư sang 10 nước EU (Anh, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, CH Séc, Tây Ban Nha và Xlô-va-ki-a) với tổng vốn đăng ký đạt khoảng  320,20 triệu USD. Trong đó chủ yếu sang Đức với 29 dự án với tổng vốn đăng ký trị giá 120,3 triệu USD, sang Anh và Quần đảo Virgin thuốc Anh (20 dự án trị giá 144,5 triệu USD), sang Pháp (10 dự án trị giá 5,4 triệu USD), sang Xlo-va-kia (2 dự án trị giá 36,4 triệu USD),...

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương